Lịch sử Rồng_đá,_hay_là_Mũi_uốn_ván

Trước thời điểm công bố tập truyện Rồng đá, hay là Mũi uốn ván[2], hai tác giả Vũ Ngọc TiếnLê Mai đều là những tác gia có tên tuổi trong giới văn bút Hà Nội. Nhưng trong quá trình gửi thủ bản tới các nhà xuất bản phía Bắc, không cơ quan nào nhận ấn hành vì nội dung được cho là "nhạy cảm" đương thời. Mãi sau đó, thông qua quan hệ thân tình với văn sĩ Hòa Vang, tác phẩm gửi tới Nhà xuất bản Đà Nẵng và được ban biên tập chấp nhận. Đến tháng 06 năm 2008, tập truyện chính thức được phát hành.

Tuy nhiên, sang đầu tháng 11 cùng năm, Vụ Thông Tin trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định thâu hồi ấn bản, nêu đích danh 3 thiên truyện "có vấn đề" (Âm bản chiến tranh, Vị phồn thực, Chù Mìn Phủ và tôi), nhưng không nêu lí do cụ thể. Một số cơ quan báo chí cũng đăng báo giấy đả kích. Đồng thời, giám đốc Nguyễn Hữu Chiến và phó giám đốc Nguyễn Đức Hùng (tác gia Đà Linh) của Nhà xuất bản Đà Nẵng bị Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đình chỉ công tác để "kiểm điểm làm rõ đúng, sai trong việc quản lý biên tập, xuất bản tập truyện “Rồng đá hay là Mũi uốn ván” của hai tác giả Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai tại NXB Đà Nẵng", riêng phó giám đốc kiêm trưởng ban biên tập Nguyễn Đức Hùng bị khiển trách nặng nề; toàn thể Nhà xuất bản Đà Nẵng cũng phải tạm dừng hoạt động để "kiện toàn lại về tổ chức và hoạt động của nhà xuất bản theo quy định của Luật xuất bản". Ngay sau đó, tác giả chính Vũ Ngọc Tiến công bố nội dung bức thư ngỏ gửi Nhà xuất bản Đà Nẵng và phó giám đốc Đà Linh, với lời trần tình và cảm thông ban biên tập.

Ít lâu sau, trang Việt Nam thư quán đã xúc tiến mua bản quyền đăng miễn phí tập truyện trên diễn đàn của họ. Cũng nhân sự kiện này, trong các lần tái bản điện tử sau, tuyển tập được đổi nhan đề là Rồng đá, hay là Chù Mìn Phủ và tôi.